Nhà thơ Phạm Anh Xuân và nguồn "năng lượng trẻ thơ" bất tận
26/06/2025 - 23:09
Với tập thơ Chú cá con và ngôi sao nhỏ (NXB Kim Đồng) vừa ra mắt, nhà thơ Phạm Anh Xuân tiếp tục khẳng định mạch sáng tạo bền bỉ dành cho thiếu nhi. Dường như, những sáng tác đó là một thế giới được anh nuôi dưỡng bằng những rung cảm tinh tế và nguồn năng lượng trẻ thơ chưa bao giờ cạn.
Chất liệu thơ có ở khắp nơi
* Điều gì đã thôi thúc anh cho ra đời tập thơ này?
- Sau 4 tập thơ xuất bản vào các năm 2018 và 2021, bạn đọc vẫn thường hối thúc tôi tiếp tục in tập thơ mới. Tôi ấp ủ khá lâu, cũng trăn trở rất nhiều vì muốn tuyển chọn một tập thơ thật sự đáp ứng được kỳ vọng của bạn đọc, đặc biệt là những em nhỏ mong chờ. Bản thảo này được thực hiện khá công phu, từ lúc bắt tay cho đến khi xuất bản mất gần 1 năm. Ban đầu, NXB dự định in khoảng 30 bài, nhưng sau khi đọc thêm và thấy thú vị, đã chọn nâng lên 36 bài.
Có thể nói, đây là một tập thơ mà tôi dồn rất nhiều năng lượng, tâm huyết và tình cảm. Dù đã có 4 tập thơ và 2 tập truyện trước đó, nhưng khi cầm trên tay tập thơ này, tôi vẫn có cảm giác như những ngày đầu, như thể đây là tập thơ đầu tay, cảm xúc vẫn rất tươi mới.
Nhà thơ Phạm Anh Xuân
* Đây là tập thơ giàu hình ảnh tưởng tượng gần gũi nhưng lấp lánh, bay bổng - như một giọt nước đi chơi, con chim xanh bay vào giấc ngủ, chú cá con ngắm sao trời… Từ chất liệu nào để anh nuôi dưỡng những hình ảnh thơ như thế?
- Chủ đề thơ của tôi được khai thác từ ký ức, kỷ niệm, những trải nghiệm của chính mình và đặc biệt là từ việc ghi chép lại các câu chuyện xung quanh, thậm chí có lúc "nghe lỏm" những điều trẻ con nói với nhau.
Chẳng hạn, bài Con chim xanh bay vào giấc ngủ xuất phát từ bức tranh của một bạn nhỏ vẽ chú chim có cái mỏ màu xanh. Bạn ấy nói rất thích con chim đó. Ngay lúc đó, một ý thơ hiện lên trong tôi. Tôi viết rất nhanh, có lẽ chỉ vài phút là hoàn thành bài thơ.
Hoặc, ở bài Chú cá con và ngôi sao nhỏ, tôi nhớ về những buổi tối ở quê, khi trẻ con nô đùa và hay nhìn xuống mặt ao để tìm ánh sao phản chiếu từ bầu trời. Tôi hình dung lại câu chuyện từ tuổi thơ và thấy như có 3 nhân vật: sao trời, chú cá con, và một người đang cảm nhận mối tương tác giữa 2 nhân vật này. Dù cách nhau rất xa, nhưng họ lại chạm được tới nhau ở điểm sâu nhất của cảm xúc. Khi viết bài thơ , chính tôi cũng bất ngờ và thấy vui vì có thể tái hiện được một hình ảnh chi tiết như vậy.
Còn với Giọt nước đi chơi, tôi nhớ thời bé, mỗi lần được tắm mưa lại tha hồ tưởng tượng: Mưa từ đâu đến, tại sao chỗ này có mưa mà chỗ khác thì không… Sau này lớn lên, tôi hình dung một giọt nước từ ao hồ, sông suối bốc hơi, đi chơi khắp nơi rồi một ngày trở về, rơi xuống đúng nơi mình từng xuất phát, hòa cùng niềm vui của lũ trẻ, những tán cây, mặt hồ đang chờ đợi hạt mưa mát lành.
Quả thực, chất liệu thơ với tôi có ở khắp nơi: Từ thiên nhiên, từ những đứa trẻ, từ chính mình hay từ một câu chuyện đời thường ai đó nói ra. Chúng đều có thể trở thành một tứ thơ, một chi tiết, một hình ảnh, rồi kết tinh thành một bài thơ.
Tập thơ “Chú cá con và ngôi sao nhỏ” (NXB Kim Đồng) của nhà thơ Phạm Anh Xuân
* Tính đến nay, anh đã có 5 tập thơ thiếu nhi, xuất bản trong một thời gian không dài. Đi với thơ thiếu nhi bền bỉ như thế, con đường này đã mang tới cho anh những gì?
- Thực sự cho đến thời điểm này, tôi luôn có một cảm giác rất rõ ràng: đó là hạnh phúc. Từ bài thơ đầu tiên viết cho trẻ em, đến những tập thơ đầu tiên được xuất bản, và cho đến hành trình hôm nay với hơn 1.000 bài thơ viết cho thiếu nhi, tôi vẫn luôn cảm thấy tâm hồn mình không chỉ trẻ trung mà còn được mở rộng thêm rất nhiều về thế giới trẻ thơ.
Chỉ cần nghe một đứa trẻ nói chuyện với người lớn, hoặc quan sát một nhóm trẻ tương tác với nhau, tôi luôn nhận ra có những câu chuyện, chi tiết, hình ảnh mà chỉ trẻ con mới nghĩ ra, mới nói được. Người lớn, dù từng là trẻ con, lại không thể nói những điều ngây thơ và hồn nhiên đến thế. Có những tình huống trong đời sống mà chỉ trẻ em mới có thể bột phát ra những câu nói, những tưởng tượng đầy bất ngờ khiến người lớn phải bật cười hoặc lặng đi vì xúc động.
Chính hành trình gắn bó với thơ thiếu nhi đã mang đến cho tôi rất nhiều năng lượng. Tôi được chứng kiến những phản hồi tích cực, khi thơ mình đến với trẻ thơ, khi trẻ muốn nghe, thích nghe và muốn khám phá những câu chuyện trong thơ. Tôi cảm thấy, ít nhiều mình đã góp phần tạo nên nguồn năng lượng tích cực, niềm vui và sự gắn kết nhất định trong một cộng đồng nhỏ bé những người yêu thơ của mình. Với tôi, điều đó thật sự là hạnh phúc!
Nhà thơ Phạm Anh Xuân (thứ 2 từ phải qua) nhận Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Dế Mèn lần năm 2023
Viết từ sự thôi thúc bên trong
* Được biết, ngoài làm thơ anh còn viết truyện cho thiếu nhi với những dấu ấn đáng kể như tập truyện dài "Nghé ọ Hai Xoáy" hay truyện dài "Con Tun tai vểnh". Với anh, thơ và truyện, mỗi thể loại mang đến trải nghiệm sáng tác khác nhau ra sao?
"Có những câu chuyện, chi tiết, hình ảnh mà chỉ trẻ con mới nghĩ ra, mới nói được. Người lớn, dù từng là trẻ con, lại không thể nói những điều ngây thơ và hồn nhiên đến thế" - nhà thơ Phạm Anh Xuân.
- Thơ thiếu nhi có một ưu điểm là ngắn gọn, có thể viết rất nhanh về một hình ảnh, một chi tiết, một rung động trong một khoảng không gian, thời gian nhất định, thường là ngắn. Trong khi đó, truyện thiếu nhi lại như một hành trình dài, một thế giới trải rộng về không gian, thời gian, cảm xúc, thậm chí cả lý trí, xoay quanh đời sống của một đứa trẻ, một nhóm trẻ hay một cộng đồng nơi trẻ em là trung tâm.
Thành thực mà nói, viết truyện cho thiếu nhi với tôi là một thách thức lớn hơn. Nếu như một bài thơ đôi khi chỉ cần đến một "mạch nguồn" tức thời dễ nuôi dưỡng, thì với một truyện dài, nguồn năng lượng sáng tạo ấy lại rất dễ bị đứt đoạn, rất khó để viết truyện liền một mạch, từ đầu đến cuối.
Tôi nhớ, khi viết 2 cuốn truyện dài cho thiếu nhi, mỗi lần ngồi vào viết là phải đọc lại từ đầu, để tìm lại mối liên kết, "sợi dây" dẫn mình nhập lại vào dòng suy nghĩ, vào trạng thái hóa thân thành một đứa trẻ. Có khi, dù đã viết được 10 chương, tôi vẫn đọc lại cả 10, rồi tiếp tục "lần tìm" để viết tiếp. Lần nào cũng vậy.
Tôi hay ví công việc sáng tác này giống như con tằm nhả tơ. Một sợi tơ khi bị đứt không thể nối lại một cách cơ học. Nó phải được lần tìm lại đúng điểm đứt, rồi nhả tiếp từ đó, để sợi tơ được liền mạch, mịn màng, chắc chắn. Nếu không, câu chuyện sẽ bị vụn, sẽ vấp như thể ghép chắp nối từng đoạn rời rạc, thiếu cảm xúc.
Với tôi, mỗi lần viết là một lần lao động thực sự, không chỉ bằng cảm xúc mà còn bằng sự bền bỉ. Tất nhiên, sau đó còn chỉnh sửa, nhưng điều quan trọng là làm sao để "sợi tơ" mạch truyện được nhả ra mượt mà, kết dính, để độc giả, đặc biệt là trẻ em, không cảm thấy bị đứt đoạn khi bước vào thế giới tưởng tượng trong truyện.
Hai tập truyện dài gây được nhiều dấu ấn của nhà thơ Phạm Anh Xuân
* Với những trải nghiệm sáng tạo khác nhau như thế, nếu phải lựa chọn, theo anh, thể loại nào là "đất" phù hợp nhất với mình?
- Tôi sáng tác phần nhiều bằng bản năng, tức là viết từ nội tâm, từ sự thôi thúc xuất phát từ bên trong chính mình. Với tôi, đó là thứ vốn quý nhất để có thể viết ra được điều gì đó có ý nghĩa.
Một khi năng lượng sáng tạo ấy trỗi dậy, tôi không đặt nặng ranh giới thể loại, cũng không cân nhắc thể loại nào dễ hay khó hơn. Khi cảm hứng đến, tôi viết, có thể là thơ, có thể là truyện, tùy theo cách câu chuyện đó muốn được kể.
Vì thế, tôi không chọn "đất" cụ thể nào cho mình, mà quan trọng là còn giữ được năng lượng trẻ thơ trong mình, còn khao khát kể chuyện thì tôi sẽ còn viết. Chỉ cần trong mình có điều gì đó muốn sẻ chia, tôi sẽ tìm cách để nó thành hình, thành chữ, bất kể dưới hình thức nào.
* Vậy sau tập thơ mới này, anh có đang ấp ủ thêm những tác phẩm nào dành cho thiếu nhi?
- Hiện tại, tôi đang ấp ủ một truyện dài mới, thậm chí đã bắt tay vào viết. Nhưng cảm giác nguồn năng lượng dành cho tác phẩm này vẫn chưa thật sự tròn đầy, nên tôi tạm gác lại.
Còn với thơ, dù đã có một "vốn liếng" kha khá, nhưng tôi cũng muốn dành thời gian để độc giả đón nhận trọn vẹn tập thơ mới trước khi nghĩ tới một tập kế tiếp. Một nhịp độ khoảng 2 - 3 năm cho một tập thơ là hợp lý để mình vừa tích lũy, vừa lắng nghe phản hồi.
Nhưng tôi chắc chắn sẽ luôn luôn viết. Bởi với tôi, thế giới của trẻ thơ quá rộng lớn, với cả thế giới thực và cả thế giới mộng mơ. Chỉ cần bắt gặp một chi tiết, một hình ảnh, một tứ thơ chạm tới cảm xúc là tôi lại cầm bút. Còn bởi, tình cảm của tôi dành cho thiếu nhi vẫn luôn dồi dào và chưa bao giờ vơi cạn.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Theo https://thethaovanhoa.vn/
Bài viết khác
NSND Xuân Bắc nhận thêm nhiệm vụ mới
27/06/2025 - 07:12
NSND Xuân Bắc có tên trong danh sách 32 đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2025-2030.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng phát triển
27/06/2025 - 06:55
"Khi lắng nghe bài phát biểu sâu sắc và truyền cảm hứng của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là cụm từ 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' trong tôi như có luồng sinh khí mới. Từ cảm xúc ấy tôi viết lên giai điệu và ca từ của tác phẩm Vươn mình - Kỷ nguyên mới” - tác giả Trịnh Minh Ước chia sẻ về ca khúc đạt giải C Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
26/06/2025 - 10:27
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 24/6/2025 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tri ân sâu sắc lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng
22/06/2025 - 22:06
Sáng ngày 22/6, trong không gian ấm cúng, trang trọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình “Gặp mặt những người làm Báo gắn bó với Nghệ thuật biểu diễn và Văn học” - Hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng, khán giả nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)
Tỏa sáng tài năng trẻ cùng những kiệt tác kinh điển trong đêm hòa nhạc đặc biệt “Chopin - Rimsky - Korsakov”
22/06/2025 - 21:04
Tối 21/6, tại Nhà hát Hồ Gươm - một không gian sang trọng và giàu giá trị nghệ thuật - Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn đêm nhạc đặc biệt Chopin - Rimsky - Korsakov, quy tụ những kiệt tác bất hủ của âm nhạc cổ điển thế giới cùng sự góp mặt đáng mong đợi của hai tài năng piano trẻ xuất sắc: Nguyễn Đức Kiên và Lưu Danh Khôi.
Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng hoa Chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
17/06/2025 - 16:25
Chiều ngày 16/6, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thay mặt Lãnh đạo Cục NTBD tặng hoa chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam -TS. NSND Đỗ Quốc Hưng.