GS-TS Trần Văn Khê khơi lửa tình yêu âm nhạc truyền thống
15/06/2015 - 10:25
(NTBD) - Nhắc đến GS-TS Trần Văn Khê, cả thế giới biết ông là một bậc đại thụ, một bậc trưởng bối của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Thế nên những ngày qua, tin ông trở bệnh nặng đã lan truyền nhanh chóng trong và ngoài nước. Hàng triệu khán giả và người mộ điệu đang lo lắng và cầu mong cho vị giáo sư giàu tâm huyết có thể vượt qua bệnh tật. Một tấm lòng với văn hóa truyền thống
![]() |
GS-TS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt âm nhạc truyền thống tại nhà riêng. Ảnh: VŨ ANH |
Với hơn 50 năm học tập và làm việc ở nước ngoài nhưng tấm lòng GS-TS Trần Văn Khê luôn đau đáu với văn hóa truyền thống nước nhà, tâm hồn ông vẫn canh cánh về quê hương đất nước. Ngay khi trở về Việt Nam, hầu như ông không cho phép mình có thời gian nghỉ ngơi với hàng loạt công việc còn dang dở. Từ năm 2010 - 2011, tháng nào cũng vậy, những người yêu thích âm nhạc truyền thống và giới mộ điệu lại gặp nhau tại nhà ông ở quận Bình Thạnh để tham gia sinh hoạt các chuyên đề về âm nhạc dân tộc. Hai năm sau, người ta thấy các hoạt động này vẫn diễn ra đều đặn, thậm chí còn nhiều hơn. Không chỉ kiên trì tổ chức các chương trình giới thiệu, khơi lửa tình yêu âm nhạc truyền thống cho các bạn trẻ tại nhà riêng, ông còn dành nhiều thời gian cho các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, liên hoan, cuộc thi, nhạc hội đờn ca tài tử tại TPHCM và hầu khắp các tỉnh thành cả nước. Nói về âm nhạc cổ truyền, về văn hóa truyền thống, ông như không biết mệt, nhưng ít ai biết, hàng ngày ông vẫn phải chống chọi với bệnh tật, với nhiều loại thuốc men, thiết bị y tế. Mà điều này thì ông dấu, thường không muốn người khác biết.
Đến tham gia sinh hoạt âm nhạc truyền thống tại nhà ông, không hẹn mà gặp là rất nhiều khán giả mộ điệu, xuất thân từ những ngành nghề khác nhau trong xã hội. Đó là anh kỹ sư máy tính, kỹ sư xây dựng ai nhìn cũng có vẻ khô khan. Đó là chị nhân viên ngân hàng, anh công nhân, là cô thợ may mà có lẽ họ chưa hình dung trong đầu âm nhạc truyền thống là gì, họ chỉ đơn giản yêu thích vọng cổ, mê đắm cải lương mà tìm đến. Đó là chị chủ sạp trái cây ngoài chợ, vốn là dân miền Tây nên từ nhỏ món cải lương đã thấm vào máu thịt. Đó là chị nông dân ở tận Kiên Giang lần đầu tiên lặn lội lên Sài Gòn để được tận mắt nhìn cho được GS-TS Trần Văn Khê bằng xương bằng thịt… Tham gia các buổi sinh hoạt âm nhạc tài tử ở đây còn có đông đảo các bạn trẻ sinh viên, học sinh và cả… nhà sư. Có lẽ chính vì vậy, những chuyên đề ông chọn lọc trình bày cũng đi dần từ dễ đến khó, để những khán giả của ông có thể cảm được theo cách dễ hiểu nhất. Người nghe đặt câu hỏi, vị giáo sư luôn vui vẻ, từ tốn giải thích. Nhiều lần GS-TS Trần Văn Khê tâm tình: “Các bạn trẻ có tìm tòi, có hiểu biết về âm nhạc dân tộc thì mới yêu thích được, mới bảo tồn được. Các bạn có gì chưa hiểu cứ việc hỏi. Mưa dầm thấm sâu mà.”. Nhìn cách ông chăm chút những khán giả của mình khiến người ta liên tưởng đến một người thầy luôn tận tụy, kiên trì từng chút một để những người trẻ có thể hiểu, có thể cảm nhận và yêu mến hơn văn hóa, âm nhạc của chính dân tộc mình. Từng ngày từng ngày, như một con tằm cần mẫn, ông truyền bá, giảng dạy, truyền lửa tình yêu văn hóa truyền thống, âm nhạc dân tộc cho giới trẻ.
Và tâm huyết cho âm nhạc dân tộc
Sức khỏe không cho phép, ông phải làm việc trên xe lăn nhưng mọi người chưa bao giờ thấy ông mệt mỏi. Những chuyên đề ông giới thiệu đến công chúng ngày càng phong phú hơn, từ đờn ca tài tử đến cải lương Nam bộ, các bài bản tổ của tài tử, nhạc lễ Nam bộ, nghệ thuật ca ra bộ, nghệ thuật tuồng cổ… đến nghệ thuật trống, ca trù.
Khi Chính phủ quyết định lập hồ sơ quốc gia về Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ năm 2011 để trình tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), lịch làm việc của GS-TS Trần Văn Khê lại càng dày đặc. Bởi hơn ai hết, ông luôn tâm niệm trân trọng di sản văn hóa của cha ông, bảo tồn văn hóa truyền thống và âm nhạc dân tộc là trách nhiệm của những người đi sau. “Dù đờn ca tài tử Nam bộ có được UNESCO công nhận hay chưa thì chúng ta vẫn có trách nhiệm phải bảo tồn cho bằng được loại hình nghệ thuật truyền thống, trân trọng di sản của cha ông. Tôi cũng xin góp một phần tâm sức của mình”, câu nói khiêm nhường của vị giáo sư khiến người nghe nhớ mãi.
Một cánh én không làm nên mùa xuân, người viết đã được nghe rất nhiều lần câu ấy mỗi khi GS-TS Trần Văn Khê nói về việc bảo tồn văn hóa truyền thống trong đó có âm nhạc dân tộc. Công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, âm nhạc dân tộc là một chặng đường dài chông gai và thử thách, nhưng với những nền tảng mà vị giáo sư tâm huyết đã gầy dựng, chúng ta có thể lạc quan ở ngày mai.
GS-TS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, lên 6 tuổi ông đã biết đàn kìm, 8 tuổi biết đàn cò, 12 tuổi biết chơi đàn tranh và đánh trống nhạc. Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Sau đó, ông là giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Sorbonne (Pháp). Ông còn là thành viên Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về khoa học, văn chương và nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế và là thành viên danh dự Hội đồngQuốc tế Âm nhạc của UNESCO. |
Nguồn: SGGP
Bài viết khác
Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố các Quyết định bổ nhiệm ngạch Chuyên viên chính: Khẳng định năng lực, tinh thần cống hiến
07/05/2025 - 16:01
Sáng ngày 7/5/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra Lễ công bố các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ nhiệm và xếp lương ngạch Chuyên viên chính đối với bốn công chức thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn.
XÚC ĐỘNG NHÌN LẠI CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐẶC SẮC “MÙA XUÂN THỐNG NHẤT” - DẤU SON KHÉP LẠI CHUỖI HÀNH TRÌNH TỎA SÁNG
03/05/2025 - 13:00
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất” vào tối 29/4 tại TP.HCM, đã diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động và đầy tự hào.
KHÁT VỌNG HÒA BÌNH VÀ LÒNG KIÊU HÃNH CỦA DÂN TỘC TẠI LỄ KỶ NIỆM TRỌNG THỂ 50 GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
30/04/2025 - 16:31
Lễ kỷ niệm và diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp tri ân chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 mà còn là lời khẳng định hùng hồn về tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hành trình giành lại độc lập, tự do và thống nhất non sông. Đây cũng là dịp phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
30/04/2025 - 08:45
Sáng nay 30.4, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật “Mùa xuân thống nhất” tại TP.HCM
29/04/2025 - 22:34
Tối 29.4, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất”. Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND TP.HCM tổ chức.
Hùng tráng chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam”
23/04/2025 - 05:48
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 22.4, Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” với sân khấu thực cảnh lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.