"Lò mổ" - một ám ảnh kỳ vĩ của Nguyễn Quang Thiều

24/02/2025 - 09:42  

Một cuộc truy vấn ráo riết bản chất của sự sống, cái chết và sự tự do được mở ra trong trường ca Lò mổ. Bằng những hình tượng ẩn dụ ám ảnh về cái chết của những con bò, Nguyễn Quang Thiều xác lập quyền năng của thi ca trong trường ca mới nhất của ông. Đó là cất lên tiếng vọng của tình yêu và khát vọng sống từ nơi tột cùng bi kịch.

Càng đặc biệt hơn, tiếng vọng này không chỉ được cất lên từ thi ca mà còn hiện hữu sống động thông qua hội họa trong Lò mổ. Đó là bộ tranh Nguyện cầu (gồm 18 bức in kèm theo 18 chương) như một phần sống động thể hiện trọn vẹn tinh thần của tập trường ca này.

Từ những vết thương tâm hồn

Tại cuộc ra mắt diễn ra ít ngày trước tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, trường ca Lò mổ được ông hoàn thành vào khoảng năm 2016, nhưng thực chất ý tưởng đã bắt đầu từ rất lâu, từ những năm tháng còn rất trẻ, khi ông cùng cha ghé qua lò mổ ở ngoại ô Hà Đông.

"Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc với một không gian u ám, tàn khốc, nơi chứng kiến cảnh giết chóc những con vật mà chính tôi cũng cảm nhận được nỗi đau và nỗi sợ hãi của chúng" - ông kể - "Nhưng lò mổ không chỉ là nơi những sự sống bị chấm dứt một cách đau đớn, mà nó còn là một "vũ trụ" của những thân phận con người đầy ám ảnh, những người sống ở rìa xã hội với công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Đó là những người mà khi rời khỏi lò mổ, có lẽ họ vẫn giữ trong mình những vết thương tâm hồn, không khác gì những sinh linh phải chịu cảnh sát sinh trong đó".

"Lò mổ" - một ám ảnh kỳ vĩ của Nguyễn Quang Thiều - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại cuộc ra mắt trường ca “Lò mổ”

Và, chính Nguyễn Quang Thiều cũng mang trong mình những vết thương tâm hồn kể từ lần đầu tiên bước chân vào lò mổ trong những năm tháng tuổi trẻ. Để rồi, những vết thương ấy vẫn đeo bám âm ỉ trong tâm hồn của ông và làm thành những cơn ác mộng…

Như lời ông giãi bày: "Trong cơn ác mộng của mình, tôi lại bước vào lò mổ một lần nữa. Lần này tôi nhìn thấy những con bò xếp hàng, trò chuyện và bước tới để nhận cái chết. Tôi nghe thấy tiếng những con bò rống vang khi bị chọc tiết, tôi nhìn thấy máu chảy xối xả, tôi nghe tiếng bầy ruồi đồng ca, tôi nhìn thấy linh hồn những con bò bay qua ô cửa sổ lò mổ về phía cánh đồng trên cao. Có gì đó đau đớn, bi thương, kỳ vĩ xuất hiện. Rồi tôi nhận ra đó là thi ca".

Và, Nguyễn Quang Thiều đã ngồi xuống và viết Lò mổ trong những đêm mộng mị. Kể từ khi viết xong vào năm 2016, Nguyễn Quang Thiều không sửa chữa bất cứ đoạn nào, chương nào cho đến tận khi in Lò mổ. "Tôi không muốn ý chí can thiệp vào cơn "mộng mị'' của tôi khi tôi viết trường ca này. Tôi muốn tất cả những năm tháng đó của tôi được lưu giữ trong văn bản này. Đấy là mục đích của tôi. Và tôi không có hy vọng tìm được cơ hội để chia sẻ câu chuyện này với một ai ngoài tôi" - ông bày tỏ.

Luôn muốn thử nghiệm và thay đổi

Lâu nay, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều vẫn được biết tới là nhà thơ tiên phong của những cách tân thi ca. Vị trí này càng được khẳng định vững chắc hơn ở trường ca Lò mổ. Và chỉ riêng ở khía cạnh hình thức của tập trường ca này cũng đủ chứng minh ý thức cách tân luôn có trong thơ Nguyễn Quang Thiều.

"Tôi luôn muốn thử nghiệm và thay đổi. Trước đây, tôi đã viết một trường ca khá truyền thống Những người lính của làng, nhưng ở Lò mổ, tôi thay đổi rất nhiều về thi pháp, về ngôn ngữ, và cả hình thức" - ông cho hay - "Lò mổ không giống các tác phẩm thơ thông thường của tôi mà có sự đa dạng, thử nghiệm trong hình thức thể hiện".

Nhà thơ này còn tiết lộ, những năm tháng tuổi trẻ, ông đã đọc một câu của nhà thơ Mỹ Walt Whitman nói đại ý: "Thơ ở dưới chân bạn, hãy cúi xuống và nhặt lên". Khi đó, ông không đồng ý với quan điểm này. Nhưng khi sáng tác và trưởng thành, rồi đến một ngày, ông hiểu rằng thơ ca ẩn chứa trong mọi khía cạnh của đời sống. Nó có trong hoa hồng, nhưng cũng có thể hiện diện trong đống rác. Điều quan trọng là nhà thơ có đủ nhạy cảm để bước đến và tìm thấy nó hay không.

"Lò mổ" - một ám ảnh kỳ vĩ của Nguyễn Quang Thiều - Ảnh 2.

Trường ca “Lò mổ” (NXB Hội Nhà văn) được in kèm 18 tranh phụ bản

"Mọi văn bản có thể trở thành văn bản thi ca, và ngược lại, mọi hình thức thi ca cũng có thể trở thành một văn bản tồi tệ, kém cỏi" - ông Thiều nhấn mạnh - "Trong khi chúng ta còn tranh luận thế nào là thơ ca, thì trong trường ca Lò mổ, tôi đã sử dụng thơ văn xuôi, thơ có vần, bản nháp, thư từ, biên bản, đối thoại, v.v... để cho thấy rằng mọi văn bản trong đời sống này đều có thể trở thành một văn bản nghệ thuật, một văn bản của thơ ca".

Cũng theo ông Thiều: "Thi ca, nghệ thuật là như vậy, nó không quan trọng chúng ta viết về cái gì, mà quan trọng chúng ta viết như thế nào và chia sẻ bản thân ra sao. Đó cũng là cách tôi muốn thể hiện trong Lò mổ: Chỉ khi chúng ta mang trong mình tâm hồn thi sĩ, tinh thần thi sĩ và cái nhìn của một thi sĩ, thì mọi văn bản, mọi hình thức trong đời sống này đều có thể trở thành thơ ca".

Vẻ đẹp của Lò mổ không chỉ dừng lại ở những thử nghiệm về hình thức của thi ca mà còn đến từ sự hòa quyện của hội họa. Theo đó, mỗi chương trong Lò mổ được tượng trưng bằng một bức tranh, và tất cả đều mang tên Nguyện cầu. Tác giả Nguyễn Quang Thiều cho biết, đây là cách ông thể hiện niềm mong mỏi của mình - mong rằng, trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình.

"Tên trường ca là Lò mổ, nhưng tất cả những bức tranh tôi vẽ lại mang tên Nguyện cầu. Nghĩa là ở đó, tôi vừa nói một hiện thực, giống như một lò mổ đầy cái chết, đầy sự đe dọa, đầy sự khủng khiếp. Nhưng trong cái chết, trong máu chảy, trong bóng tối, trong dao, trong búa, trong dây trói, trong chum đựng tiết thì lời nguyện cầu cho một thế gian yên bình vẫn được vang lên. Có thể nói rằng, Nguyện cầu không chỉ là một bộ tranh đi kèm với Lò mổ, mà chính là một phần sống động của tập trường ca này" - ông Thiều giải thích thêm.

Một trường ca tầm vóc

Sự ra đời của Lò mổ ngay lập tức nhận được sự quan tâm của giới văn chương. Nhiều nhà thơ không tiếc lời tán dương tập trường ca này.

Ví như nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng, Lò mổ là trường ca tầm vóc nhất của Nguyễn Quang Thiều từ trước tới nay. Theo ông, tập trường ca này quy tụ tất cả những tư tưởng, cảm xúc cũng như hệ hình thẩm mỹ theo quan điểm sáng tác của Nguyễn Quang Thiều.

"Tập trường ca đặt ra một câu hỏi lớn: đời sống chúng ta đang sống có thực sự là một đời sống?" - ông Phấn phân tích - "Để trả lời câu hỏi này, Nguyễn Quang Thiều đã kiến tạo nên một thế giới đa chiều, đa điểm nhìn, nơi ông vừa tái hiện vừa bày đặt lại chính đời sống này. Trong thế giới ấy, những hình ảnh, những biểu trưng trụ cột như máu, như ruồi, như những ánh mắt… đã trở thành nền tảng, làm nên kết cấu của thế giới thi ca Nguyễn Quang Thiều".

Cũng theo nhà thơ này, thế giới thi ca Nguyễn Quang Thiều là một thế giới mở, đa điểm nhìn và có rất nhiều lối vào. Mỗi người đọc khi bước vào đó sẽ không chỉ là người quan sát mà còn là người đồng sáng tạo với tác giả. Vì lẽ đó, Nguyễn Quang Thiều là một thi sĩ vẫy gọi. Ông không áp đặt một cách hiểu cố định mà vẫy gọi người đọc cùng dấn thân, cùng tìm kiếm. Bởi vậy, mỗi người đọc sẽ lắng nghe, sẽ nhận ra một lối vào riêng, sẽ tìm thấy một mã giải của chính mình để lý giải thế giới mà Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên trong thơ ca.

Còn nhà thơ Mỹ Bruce Weigl lại nhấn mạnh, Lò mổ như một "bi ca" về thế kỷ 20. Đó là một bức tranh đa chiều về những vấn đề của thế kỷ 20, mà chúng ta có thể thấy ở đó sự phản ánh về thù hận, chiến tranh, bệnh tật - tất cả những điều đó đã và đang ăn mòn con người.

"Trường ca này đại diện cho một cử chỉ thi ca can đảm vì nó tự lập về mặt tinh thần, nó từ chối đầu hàng những yêu cầu của truyền thống, và cho phép người đọc cảm nhận được thế giới trong hình thức gan góc nhất, sự thô sơ của sự thật thể hiện qua cách mà ta không thể bỏ qua" - nhà thơ Bruce Weigl khẳng định.

"Trường ca Lò mổ cho phép người đọc cảm nhận được thế giới trong hình thức gan góc nhất, sự thô sơ của sự thật thể hiện qua cách mà ta không thể bỏ qua" - nhà thơ Mỹ Bruce Weigl.

 

Theo https://thethaovanhoa.vn/

Bài viết khác

Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố các Quyết định bổ nhiệm ngạch Chuyên viên chính: Khẳng định năng lực, tinh thần cống hiến

07/05/2025 - 16:01

Sáng ngày 7/5/2025, tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn đã diễn ra Lễ công bố các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ nhiệm và xếp lương ngạch Chuyên viên chính đối với bốn công chức thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn.

XÚC ĐỘNG NHÌN LẠI CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT ĐẶC SẮC “MÙA XUÂN THỐNG NHẤT” - DẤU SON KHÉP LẠI CHUỖI HÀNH TRÌNH TỎA SÁNG

03/05/2025 - 13:00

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất” vào tối 29/4 tại TP.HCM, đã diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động và đầy tự hào.

KHÁT VỌNG HÒA BÌNH VÀ LÒNG KIÊU HÃNH CỦA DÂN TỘC TẠI LỄ KỶ NIỆM TRỌNG THỂ 50 GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

30/04/2025 - 16:31

Lễ kỷ niệm và diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp tri ân chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 mà còn là lời khẳng định hùng hồn về tầm vóc lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hành trình giành lại độc lập, tự do và thống nhất non sông. Đây cũng là dịp phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

30/04/2025 - 08:45

Sáng nay 30.4, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).

Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật “Mùa xuân thống nhất” tại TP.HCM

29/04/2025 - 22:34

Tối 29.4, tại TP.HCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất”. Chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND TP.HCM tổ chức.

Hùng tráng chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam”

23/04/2025 - 05:48

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 22.4, Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” với sân khấu thực cảnh lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.