Nửa thế kỷ văn học Việt Nam: “Trả nợ” quá khứ, viết tiếp tương lai
04/05/2025 - 22:12
Nửa thế kỷ sau ngày non sông liền một dải, văn học - viên ngọc sáng trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc - đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình lưu giữ ký ức, phản ánh hiện thực và dự phóng tương lai.
Văn học Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu sau 50 năm thống nhất đất nước
Từ những trang viết thấm đẫm khói lửa chiến tranh đến những tác phẩm mang hơi thở của đời sống đương đại, văn học Việt Nam không chỉ thể hiện bản lĩnh của một lực lượng sáng tạo hùng hậu, mà còn là cách những người cầm bút “trả món nợ tinh thần” với quá khứ hào hùng của dân tộc.
Một mùa bội thu văn học lớn lao
Sau ngày đất nước thống nhất, thế hệ các nhà văn chống Mỹ tiếp tục “rút ruột nhả tơ” và cho ra đời nhiều tác phẩm làm nên dấu ấn của văn học giai đoạn này.
Đã xuất hiện một loạt trường ca, làm thành một hiện tượng văn học, như: Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu), Mặt trời trong lòng đất (Trần Mạnh Hảo), Con đường của những vì sao (Nguyễn Trọng Tạo), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (Phạm Tiến Duật)…
Về văn xuôi, có thể kể đến các tập truyện ngắn Mầu tím hoa mua của Nguyễn Thị Như Trang, Mầm sống của Triệu Bôn, Đêm thức của Đức Ban và một danh sách khá dài của các tập tiểu thuyết như: Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Sông Đỏ, Gió xanh (Chu Lai), Những bức tường lửa (Khuất Quang Thụy), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Thượng Đức (Nguyễn Bảo), Bến không chồng (Dương Hướng), Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức)...
Điều đáng mừng là các nhà văn thế hệ chống Pháp, ở giai đoạn đầu sau thống nhất đất nước, cũng cho ra đời những tiểu thuyết có tiếng vang. Có thể kể đến: Ông cố vấn (Hữu Mai), Tư Thiên (Xuân Thiều), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải), Cánh rừng phía Tây, Yên tĩnh (Hồ Phương), Nợ nước mắt (Trang Thế Hy), Đứa con của đất, Miền sóng vỗ (Anh Đức), Mùa gió chướng (Nguyễn Quang Sáng), Sao Mai (Dũng Hà)...
“Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta có được một mùa bội thu văn học lớn lao, đồ sộ đến thế. Đó là một tập đại thành, kết tinh đẹp đẽ tài năng và nhân cách nhà văn, nó giúp cho bạn đọc hôm nay và mai sau tìm thấy câu trả lời, vì sao một dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ với biết bao hy sinh, mất mát không lâu lại có thể chiến thắng một siêu cường hùng mạnh nhất hành tinh như đế quốc Mỹ”, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam bày tỏ.
Giai đoạn hòa bình, độc lập và dựng xây đất nước, văn học cũng “trả nợ” lịch sử dựng nước và giữ nước với những tác phẩm như Tám triều vua Lý (4 tập), Bão táp triều Trần (6 tập) của nhà văn Hoàng Quốc Hải...
Tiếp theo, phải kể đến Trần Thùy Mai với hai tác phẩm viết về nhà Nguyễn là Từ Dụ thái hậu (2 tập) và Đồng Xuân công chúa (2 tập); Bùi Việt Sĩ với 2 tác phẩm Chim ưng và người đan sọt, Chim bằng và nghé hoa; Thái Bá Lợi với Minh sư; Hà Phạm Phú với Trưng Trắc... và một số tác giả khác như Trương Thị Thanh Hiền, Vĩnh Quyền, Hoàng Quảng Uyên, Nguyễn Trọng Tân, Võ Khắc Nghiêm, Lý Lan...
Với cảm hứng viết về lịch sử cách mạng và kháng chiến, trong 50 năm qua, chúng ta lại có thêm một số tác phẩm viết về Bác Hồ kính yêu, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Đó là các tiểu thuyết: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc trong ký ức người mẹ Nga của Sơn Tùng; tiểu thuyết Hồ Chí Minh (3 tập) của Hoàng Quảng Uyên; trường ca Trăng Tân Trào của Hữu Thỉnh; viết về Đảng có Chân dung chính khách Việt Nam của Vĩnh Quang Lê…
Vấn đề biên giới cũng không thiếu vắng trong văn học. Nhiều tác phẩm nóng bỏng đã được trình làng ngay thời điểm tiếng súng vừa dứt, đó là các tiểu thuyết Mùa chinh chiến ấy, Một trăm ngày trước tuổi 20 của Đoàn Tuấn; Mùa hè giá buốt của Văn Lê; Thành phố bên sông của Kim Quyên; Cổng trời của Ngôn Vĩnh; Mình và họ của Nguyễn Bình Phương; Gió thượng phùng của Võ Bá Cường.
Nhập cuộc đổi mới
Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ta đã thổi một luồng gió mới đầy sinh khí vào đời sống văn học. “Giai đoạn đổi mới đem lại sự mở rộng đường biên cho văn học. Và sự mở rộng này làm cho văn học tiến xa hơn nữa trong việc tiếp cận những nhân tố tích cực, những tia sáng lạ, những vẻ đẹp làm ấm lòng người, đồng thời phơi bày, lên án, truy đuổi mọi cái xấu, cái ác khi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến vào kỷ nguyên kinh tế trí thức được vận hành trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập tích cực”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhìn nhận.
Từ những bài bút ký, phóng sự đầu tiên chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc, các nhà văn đã sớm công bố những tác phẩm được nung nấu từ lâu.
Vinh dự mở cửa đột phá thuộc về Nguyễn Minh Châu với các tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tầu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa.
Tiếp nối vào những thành công ấy là các tác giả với những tác phẩm thu hút đông đảo độc giả. Đó là Ma Văn Kháng với các tác phẩm Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú; Cù Lao Chàm của Nguyễn Mạnh Tuấn; Hạt mùa sau của Nguyễn Thị Ngọc Tú... Tiếp đó là Thời xa vắng của Lê Lựu; Luật đời và cha con, Lửa đắng, Gã tép riu, Vỡ vụn và cuộc vuông tròn của Nguyễn Bắc Sơn; Những ngọn gió Hua Tát, Tướng về hưu, Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp; Mảnh vườn xưa hoang vắng của Đỗ Chu; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư…
“Nửa thế kỷ qua là nửa thế kỷ sum họp của 5 thế hệ: Các nhà văn tiền chiến, các nhà văn chống Pháp, các nhà văn chống Mỹ, các nhà văn hậu chiến và các nhà văn xuất hiện trong đổi mới. Mỗi thế hệ có lợi thế riêng, bổ sung và cộng hưởng, đưa nền văn học Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới”, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá.
Thời gian tới, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, lịch sử càng đòi hỏi văn học phải chuyển đổi bằng sức vóc của các thế hệ trẻ.
GS Phong Lê, chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại cho rằng, nếu vẫn cần có một (hoặc nhiều) Hội nghề nghiệp có chức năng như Hội Nhà văn, thì trong tương lai, Hội cần đầu tư nhiều công sức cho đội ngũ sáng tác trẻ, trên tất cả các phương diện của bản lĩnh và bản sắc cá nhân.
Bản lĩnh - đó là lý tưởng sống và hoài bão nghề nghiệp tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cả một thế hệ. Còn bản sắc - đó là cái riêng của từng người. Cả hai cần bổ sung cho nhau.
“Cần tạo mọi điều kiện cho các thế hệ trẻ đi tìm và khẳng định cho được cái riêng, và cái khác. Bởi văn học cần sự đa dạng và tôn trọng tính sáng tạo; nhưng đó là cái riêng không quay lưng hoặc xa lạ với cái chung; cái khác nhưng không biệt lập hoặc đối trọng với cái giống, tức cái chung, cái cộng đồng - nó là khát vọng chung của nhân dân, của Dân tộc”, theo GS Phong Lê.
Bài viết khác
NSND Xuân Bắc nhận thêm nhiệm vụ mới
27/06/2025 - 07:12
NSND Xuân Bắc có tên trong danh sách 32 đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2025-2030.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng phát triển
27/06/2025 - 06:55
"Khi lắng nghe bài phát biểu sâu sắc và truyền cảm hứng của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là cụm từ 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' trong tôi như có luồng sinh khí mới. Từ cảm xúc ấy tôi viết lên giai điệu và ca từ của tác phẩm Vươn mình - Kỷ nguyên mới” - tác giả Trịnh Minh Ước chia sẻ về ca khúc đạt giải C Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tri ân sâu sắc lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng
22/06/2025 - 22:06
Sáng ngày 22/6, trong không gian ấm cúng, trang trọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình “Gặp mặt những người làm Báo gắn bó với Nghệ thuật biểu diễn và Văn học” - Hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng, khán giả nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)
Tỏa sáng tài năng trẻ cùng những kiệt tác kinh điển trong đêm hòa nhạc đặc biệt “Chopin - Rimsky - Korsakov”
22/06/2025 - 21:04
Tối 21/6, tại Nhà hát Hồ Gươm - một không gian sang trọng và giàu giá trị nghệ thuật - Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn đêm nhạc đặc biệt Chopin - Rimsky - Korsakov, quy tụ những kiệt tác bất hủ của âm nhạc cổ điển thế giới cùng sự góp mặt đáng mong đợi của hai tài năng piano trẻ xuất sắc: Nguyễn Đức Kiên và Lưu Danh Khôi.
Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng hoa Chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
17/06/2025 - 16:25
Chiều ngày 16/6, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thay mặt Lãnh đạo Cục NTBD tặng hoa chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam -TS. NSND Đỗ Quốc Hưng.
Bầu Bí thư, Phó Bí thư trực tiếp tại Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn với kết quả tuyệt đối
10/06/2025 - 23:01
Sáng ngày 10/6, Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2025 – 2030 đã được tổ chức trọng thể, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong nhiệm kỳ tới với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò trong công tác tham mưu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học trong thời gian tới.