Công văn V/v một số lưu ý khi thực hiện Nghị định 62/2014/NĐ-CP
Số/ký hiệu: 2694/BVHTTDL-DSVH
Ngày ban hành: 12/08/2014
Cơ quan ban hành: BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Loại văn bản: Công văn
Toàn văn:
Kính gửi: Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố
Ngày 25 tháng 6 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó đã hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân rihân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Ngày 08 tháng 8 năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2508/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất - năm 2015. Để triển khai Kế hoạch và tổ chức xét tặng lần đầu được thuận lợi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số điểm sau:
1. Tại khoản 2 Điều 65 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng quy định “Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Mặc dù Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” nhưng tại đợt xét đầu tiên năm 2015,
Hội đồng các cấp chỉ được xét và đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Vì vậy, các Hội đồng thực hiện việc xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định nêu trên.
2. Về tiêu chuẩn xét tặng (Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 62/NĐ-CP): Đối với quy định tại khoản 3 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 cần xác định rõ người được xét tặng phải nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải cá nhân nào nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể cũng có điều kiện tham gia các sự kiện để có tài liệu chứng minh về thành tích, giải thưởng (ví dụ, trường hợp nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể về sử thi Tây Nguyên). Vì vậy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần vận dụng quy định phù hợp với từng đối tượng trong từng trường hợp cụ thể.
3. Quy định tại khoản 1 Điều 2 cho phép cá nhân đề nghị xét tặng tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân, tổ chức khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng. Để thực hiện: quy định này và hỗ trợ một cách có hiệu quả cá nhân đề nghị xét tặng, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chủ động phối hợp với các Hội, đoàn thể, chính quyền địa phương để quán triệt nội dung này.
4. Về việc thành lập, hoạt động của Hội đồng cấp tỉnh:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Hội đồng.
Ngoài Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng bao gồm: đại diện Ban Thi đua, Khen thưởng của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (lãnh đạo Sở và phòng chuyên môn), nhà nghiên cứu, nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đang hoạt động tại các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, cơ quan nghiên cứu ở tỉnh như: Hội Văn nghệ dân gian, Hội Khoa học lịch sử, Hội Di sản văn hóa, Hội Dân tộc học và Nhân học, Hội Âm nhạc... và một số nghệ nhân thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với loại hình của hồ sơ được xem xét.
Tổ Thư ký gồm những cán bộ có năng lực đang làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để giúp Hội đồng thẩm định Hồ sơ và có thể góp ý, hướng dẫn cá nhân, tổ chức làm hồ sơ đạt yêu cầu.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan thường trực của Hội đồng cấp tỉnh, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về từng cá nhân đề nghị xét tặng. Sở cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức một cuộc họp, đại diện Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn, trưởng thôn/tổ trưởng dân phố, đồng nghiệp của cá nhân đề nghị xét tặng, các tổ chức đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...) và nhân dân trong khu vực. Toàn bộ diễn biến cuộc họp cần được phản ánh đầy đủ trong Biên bản họp lấy ý kiến của cộng đồng dân cư ở cơ sở hoặc hội nghề nghiệp (Mẫu số 3 của Phụ lục Nghị định số 62/2014/NĐ-CP). Để hạn chế việc khiếu nại và có đủ cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại, Sở có thể ghi âm, ghi hình cuộc họp xin ý kiến cộng đồng. Biên bản được lưu giữ cùng hồ sơ cá nhân đề nghị xét tặng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Sở lưu ý khi triển khai theo Kế hoạch xét tặng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- BT. Hoàng Tuấn Anh (để b/c);
- TT. Đặng Thị Bích Liên (để b/c)
- Vụ TĐ, KT;
- Lưu: VT, PVT, DTA.69.