QUY CHẾ CHẤM GIẢI VÀ KHEN THƯỞNG Số: 239 QC/NTBD ngày 03 tháng 4 năm 2014 Cuộc thi Sáng tác Thơ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2014) và 55 đường Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2014)

Số/ký hiệu: 239/QC/NTBD

Ngày ban hành: 03/04/2014

Cơ quan ban hành: CỤC NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

Loại văn bản: Quy chế

Toàn văn:

Ban Giám khảo do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập. Thành viên Ban Giám khảo là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, tài năng nghệ thuật và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật trong lĩnh sáng tác thơ. Giúp việc cho Ban Giám khảo  là tổ Thư ký.
I.  Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Giám khảo và tổ Thư ký
1. Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Giám khảo:
- Ban Giám khảo có trách nhiệm theo dõi cuộc thi, chấm điểm theo các tiêu chí quy định tại Quy chế Tổ chức, Quy chế Chấm giải và Khen thưởng của cuộc thi, bảo đảm tính khách quan và chính xác. Thành viên Ban Giám khảo chấm điểm độc lập, bằng phiếu kín, và nộp cho tổ Thư ký tổng hợp.
- Có trách nhiệm phát hiện các trường hợp vi phạm Quy chế cuộc thi về nội dung, và chất lượng nghệ thuật của các bài dự thi, để báo cáo Trưởng Ban Tổ chức xem xét giải quyết.
- Chấm, nhận định, đánh giá chất lượng chuyên môn, báo cáo tổng kết cuộc thi; chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá trong cuộc thi; đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật trong những cuộc thi tiếp theo.
- Thành viên Ban Giám khảo không được thẩm định, chấm điểm các tác phẩm mà mình là thành phần sáng tạo hoặc có quyền và lợi ích liên quan.
2. Trách nhiệm của Tổ Thư ký:
Tổ Thư ký gồm 02 thành viên do Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phân công, có trách nhiệm sau:
- Chuẩn bị đầy đủ tài liệu liên quan đến nội dung các phiên họp; ghi biên bản, tổng hợp chính xác kết quả xét giải thưởng của Ban Giám khảo, báo cáo Trưởng Ban Giám khảo; có sự phối hợp chặt chẽ với thành viên Ban Giám khảo trong các hoạt động nhằm cung cấp các thông tin cần thiết có liên quan tới các thành viên Ban Giám khảo;
- Giúp Ban Giám khảo phát hiện các trường hợp vi phạm Quy chế cuộc thi để báo cáo Trưởng Ban Tổ chức xem xét giải quyết;
- Tuyệt đối giữ bí mật về kết quả đánh giá của Ban Giám khảo trong quá trình diễn ra cuộc thi.
II. Nguyên tắc làm việc của Ban Giám khảo
- Để đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, đánh giá, Ban Giám khảo  thảo luận, bàn bạc dân chủ, xét giải thông qua hình thức chấm điểm độc lập bằng phiếu kín và giao kết quả cho tổ Thư ký ngay sau khi kết thúc từng phiên họp.
- Điểm của thành viên Ban Giám khảo nào cao hoặc thấp hơn 1,5 điểm so với điểm trung bình cộng của toàn Ban Giám khảo, điểm số đó sẽ bị loại bỏ.
- Thành viên Ban Giám khảo không tiết lộ thông tin về kết quả chấm điểm dưới bất kỳ hình thức nào.
- Các thành viên Ban Giám khảo phải có mặt đầy đủ, đúng giờ, theo yêu cầu của ban tổ chức và trong lễ tổng kết trao giải thưởng.
- Thành viên Ban Giám khảo không chấm điểm bài dự thi mà mình là thành phần sáng tạo hoặc có quyền và lợi ích liên quan.
- Ban Giám khảo không chấm điểm các trường hợp vi phạm Quy chế tổ chức cuộc thi.  
III. Tiêu chí xét giải thưởng
Ban Giám khảo xét giải thưởng cho các tác phẩm dự thi theo tiêu chí cụ thể như sau:
1. Thể lệ, tiêu chí đánh giá tác phẩm dự thi
- Tác phẩm dự thi thuộc 2 đề tài: Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2014) và 55 năm đường Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2014).
- Thể loại: Thơ
- Nội dung tư tưởng: Tác phẩm dự thi tập trung ca ngợi chiến thắng hào hùng, sự hy sinh to lớn để đi đến thắng lợi hoàn toàn của dân tộc, thể hiện tình yêu đất nước, cảm  xúc, tinh thần tự hào trước chiến thắng lịch sử của dân tộc, ý chí kiên cường vượt qua khó khăn gian khổ vì độc lập tự do, ca ngợi truyền thống lịch sử và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Điện Biên và đường Trường Sơn ngày nay.
- Yêu cầu đối với tác phẩm:
+ Về nghệ thuật: Các bài dự thi phải có tính nghệ thuật trong việc sử dụng ngôn ngữ, tu từ, hình ảnh, giàu cảm xúc; ý tưởng sáng tạo, độc đáo; hình thức, cấu trúc chặt chẽ.
+ Mỗi tác giả có quyền gửi bài dự thi cả hai đề tài (60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 55 năm đường Trường Sơn) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền.
+ Tác phẩm chưa công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc in ấn, xuất bản.
+ Tác phẩm được đánh máy trên khổ giấy A4.
+ Tác phẩm dự thi sẽ không trả lại tác giả. Tác phẩm được giải, Ban Tổ chức sẽ sử dụng trong việc in ấn và phát hành phục vụ công tác tuyên truyền.
+ Tác phẩm dự thi cần ghi rõ: Họ tên (bút danh nếu có), địa chỉ liên lạc, số điện thoại.
2. Việc chấm điểm, đánh giá, xét trao giải thưởng các bài dự thi, được chia thành hai bước: Vòng Sơ khảo và vòng Chung khảo.
+ Vòng Sơ khảo: Thành viên Ban Giám khảo tự chọn từ tổng số 1523 bài dự thi, lấy 150 bài tiêu biểu, đáp ứng được tiêu chí của cuộc thi. Sau đó Ban Giám khảo họp phiên đầu tiên để thống nhất danh sách 150 bài tiếp tục vào Chung khảo.
+ Vòng Chung khảo: Ban Giám khảo chấm điểm 150 bài theo thang điểm 10 (Giải Nhất đạt từ 9,0 đến 10 điểm – Giải Nhì đạt từ 8,0 đến 8,9 điểm – Giải Ba đạt từ 7,0 đến 7,9 điểm – Giải Khuyến khích đạt từ 6,0 đến 6,9 điểm). Hình thức chấm điểm độc lập bằng phiếu kín và giao kết quả cho tổ Thư ký ngay sau phiên họp lần thứ hai. Tổ Thư ký tổng hợp phiếu điểm của từng thành viên Ban Giám khảo lấy 22 bài có tổng số điểm cao nhất tính từ trên xuống, báo cáo Ban Tổ chức, Ban Giám khảo để xét trao giải.
IV. Giải thưởng
Ban Giám khảo đánh giá, chấm điểm và trao giải thưởng đối với cuộc thi Sáng tác Thơ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2014) và 55 đường Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2014) theo cơ cấu như sau:
a) Đề tài 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:
- 01 giải Nhất - Mỗi giải trị giá: 10.000.000đ (Mười triệu đồng).
- 02 giải Nhì - Mỗi giải trị giá: 7.000.000đ (Bảy triệu đồng).
- 03 giải Ba - Mỗi giải trị giá: 5.000.000đ (Năm triệu đồng).
- 05 giải Khuyến khích - Mỗi giải trị giá: 3.000.000đ (Ba triệu đồng).
b) Đề tài 55 năm đường Trường Sơn:
- 01 giải Nhất - Mỗi giải trị giá: 10.000.000đ (Mười triệu đồng).
- 02 giải Nhì - Mỗi giải trị giá: 7.000.000đ (Bảy triệu đồng).
- 03 giải Ba - Mỗi giải trị giá: 5.000.000đ (Năm triệu đồng).
- 05 giải Khuyến khích - Mỗi giải trị giá: 3.000.000đ (Ba triệu đồng).
c) Các giải thưởng được nhận tiền thưởng trị giá như trên kèm Giấy chứng nhận.
V. Tổ chức thực hiện
Quy chế này thay thế Quy chế số 234 QC/NTBD ngày 02/4/2014 của Cục Nghệ thuật biểu diễn và có hiệu lực kể từ ngày được công bố. Việc sửa đổi, bổ sung chỉ thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức và được phép của lãnh đạo Bộ.
Quy chế này là căn cứ đánh giá, chấm điểm, xét giải của Ban Giám khảo, đồng thời được đăng tải trên Website http://cucnghethuatbieudien.gov.vn và được gửi đến: Ban Tổ chức cuộc thi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để biết và thực hiện./.

 
Nơi nhận:
- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (để báo cáo);
- Thứ trưởng Vương Duy Biên (để báo cáo);
- Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương (để báo cáo);
- Vụ Thi đua - Khen thưởng (để phối hợp);
- Sở VHTTDL các tỉnh/thành (để thực hiện);
- Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi (để thực hiện);
- Website http://cucnghethuatbieudien.gov.vn;
- Lưu: VT, PVH, PQT (80).