Lắng đọng với “Mùa Đông xứ Huế”
15/12/2016 - 15:11
“Mùa Đông xứ Huế” - nốt lặng giữa Thủ đô phồn hoa
“Mùa Đông xứ Huế” là hoạt động mở màn cho chuỗi các hoạt động của các địa phương tại Nhà hát Lớn nhằm quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể, chương trình nghệ thuật đặc sắc của các vùng miền tại Thủ đô.
![]() |
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đến dự chương trình. |
Đây cũng là chương trình nghệ thuật lớn nhất về Huế tại Hà Nội từ trước đến nay do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, một trong những hoạt động quảng bá, xúc tiến văn hóa, du lịch Thừa Thiên Huế diễn ra trong các ngày 14, 15, 16/12 tại Nhà hát Lớn.
Chia sẻ về chương trình, TS. Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, Tổng đạo diễn cho biết, Âm nhạc Huế tại Việt Nam hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20. Đến nay đã gần tròn một thế kỷ, âm nhạc Huế hình thành và phát triển. Mảnh đất địa linh nhân kiệt với vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn, thơ mộng, hoài niệm đã trở thành điểm dừng chân của biết bao tâm hồn tao nhân, mặc khách, khơi nguồn cảm hứng cho hàng trăm sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng, tích tụ qua thời gian để rồi trở thành một dòng chảy sâu lắng, riêng biệt giữa nền âm nhạc Việt…
![]() |
Ca sĩ Quang Linh với "Mưa trên xứ Huế" |
Cũng đúng thôi, bởi Cố đô Huế là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, với vẻ đẹp “chẳng nơi nao có được”, bởi vậy nhiều nhạc sĩ lựa chọn Huế để gửi gắm cảm xúc tâm tư và thể hiện tài năng sáng tác của mình.
Bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 20 khi âm nhạc phương Tây theo người Pháp du nhập vào Việt Nam thì cũng là lúc những ca khúc trữ tình đầu tiên về Huế ra đời. Và cho đến nay chỉ riêng về Huế đã có trên 1000 tình khúc.
Nhưng dù được hình thành nhờ âm nhạc lãng mạng phương Tây nhưng tình khúc Huế luôn mang hơi thở của âm nhạc truyền thống, đó là các loại hình âm nhạc dân gian như: Lý Huế, Hò Huế, và âm nhạc bác học Huế, đại diện cho sự quyền quý sang trọng đó là âm nhạc cung đình. Bởi vậy giữa dòng chảy âm nhạc Việt Nam hình thành nên dòng chảy riêng biệt, sâu lắng – ‘’dòng nhạc Huế”.
![]() |
Đăng Dương với nhạc phẩm "Mùa đông xứ Huế" |
Mùa Đông là mùa rất đặc trưng của xứ Huế, khi những cơn mưa kéo dài triền miên phủ kín đền đài, chảy xuống dòng Hương, len lỏi qua từng kẽ lá và thẩm vào lòng người, để rồi ai nấy cũng trầm tư hơn, cảm nhận nhiều hơn. Nhà thơ Nguyễn Bính đã có bài thơ rất nổi tiếng viết về mưa Huế: “Trời mưa ở Huế sao dài thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày” và mùa mưa đã trở thành “đặc sản” của xứ Huế. Xa Huế, những người con nhớ nhất là giọng Huế, thứ hai là mưa Huế. Giữa cái lạnh se sắt của mùa Đông, mưa Huế đi vào tâm hồn những người con nặng lòng với Huế những năm tháng qua và để lại biết bao những dấu ấn, kỷ niệm trong các tình khúc về Huế. Điều đặc biệt là “Chỉ khi xa huế mới sáng tác về Huế được, bởi Huế như những hình dung, nhớ nhung cứ bồng bềnh trong tâm tưởng, xa xôi… - Nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức chia sẻ
“…Mưa chợ Đông Ba, mưa qua Gia Hội, ai về Thành Nội, ai đợi ai chờ”
“Giọt mưa còn nặng nỗi sầu. sông Hương muôn thủa còn sâu ân tình”
Có một người bạn đi xa đã nói với tôi rằng đến Huế vào mùa Đông, mùa mưa cũng khiến lòng minh sâu lắng hơn, mưa Huế dù có buồn, có lạnh nhưng cũng là lúc cảm nhận sự nồng ấm từ trái tim người Huế rõ ràng nhất. Thế nên ai đi xa cũng nhớ những cơn mưa mùa đông xứ Huế đến nao lòng.
Không làm công chúng thất vọng “Mùa Đông xứ Huế” đã mang đến cho công chúng thủ đô những tinh túy của nhất Huế qua những bài hát bài hát tiêu biểu qua các thời kỳ của các tác giả như Dương Thiệu Tước, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Hoàng Vân, An Thuyên, Đức Trịnh, Tuấn Phương, Việt Đức, Nguyễn Nam, Nguyễn Tiến … với những tác phẩm âm nhạc đã đi vào lòng khán giả qua nhiều thế hệ như “Ai ra xứ Huế”, “Mưa trên phố Huế”, “Huế xưa”, “Huế thương”, “Huế - Tình yêu của tôi”, “Nhớ Huế”, “Hà Nội – Huế - Sài Gòn”, “Ngược dòng Hương Giang”, “Huế ơi vang mãi ngàn năm”… cùng những điệu hò, điệu lý như “Hò mái nhì”, “Mái sắp”, “Quỳnh tương”, “Lý con sáo”, với những vần thơ Huế, những tà áo dài phảng phất hồn xưa trong một không gian nghệ thuật được dàn dựng công phu, tinh tế mang đậm chất Cố đô.
Dòng chảy âm nhạc đã đưa khán giả đến với văn hóa, lịch sử, con người Huế. Đó là “Huế xưa” với những bài hát trước những năm 50 của thế kỷ 20 tái hiện một Cố đô thâm nghiêm, trầm mặc với những cơn mưa níu lòng người trong cái lạnh se sắt của mùa đông, mang đến cho khán giả cảm nhận sự uy nghiêm của lịch sử huy hoàng in dấu trên đền đài, thành quách rêu phong; Là “Tình Huế” với những tình khúc lãng mạng, thiết tha của đôi lứa bên dòng sông Hương, bên núi Ngự, là nỗi nhớ da diết về quê mẹ trong lòng người con xa xứ; Là “Huế tự hào” với một xứ Huế đổi mới, hội nhập và phát triển hòa vào dòng chảy chung của dân tộc và thời đại nhưng vẫn luôn giữ được nét riêng vốn có.
Hành trình trở về với Huế còn được dẫn dắt bởi những nghệ sĩ nổi tiếng gắn liền tên tuổi với những ca khúc về Huế như: Quang Linh, Vân Khánh, Long Nhật, Thanh Thanh Hiền, Đăng Dương, Anh Thơ, Lê Anh Dũng, Vũ Thắng Lợi, Thành Lê, Lô Thủy, Bạch Trà, Thu Hường, các nghệ sĩ ưu tú ca Huế như: Thu Hằng, Phong Thủy, Mai Lê, Hoàng Hằng, Thu Hiền và dàn nghệ sĩ, nhạc công của Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, ọc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.
Không chỉ có màu buồn của tình khúc Huế, chương trình “Mùa Đông xứ Huế” còn được thổi hơi thở mới của nhịp sống đương đại. Lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Lớn, khán giả được chiêm ngưỡng những cơn mưa Huế.
“Trong chương trình này, chúng tôi làm mới các bài hát bằng bản phối mới. Như vậy, công chúng Thủ đô sẽ được nghe các tình khúc về Huế với hơi thở mới, màu sắc mới bằng hòa âm phối khí, nghệ thuật múa, không gian 3D, đèn LED, kỹ xảo sân khấu … để “đặc sản” “Mùa Đông xứ Huế” lắng lại giữa lòng Hà Nội phồn hoa” – TS. Nguyễn Việt Đức chia sẻ.
Sống trọn cảm xúc cùng Huế
![]() |
Ông Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tặng hoa các nghệ sĩ sau đêm diễn |
Sự nỗ lực của ê kíp sản xuất và các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả một chương trình nghệ thuật thực sự ấn tượng, đó là sự lan tỏa cảm xúc của những nghệ sĩ trực tiếp đứng trên sân khấu với mong mỏi cái tình của Huế được công chúng Thủ đô lắng nghe và chia sẻ. Bởi “những bản tình ca của Huế vang lên trên khán phòng Nhà hát Lớn Thủ đô là niềm tự hào, một sự hạnh phúc vô bờ bến” – Ca sỹ Long Nhật , một người con xứ Huế.
Anh Thức – giáo viên Quận Hai Bà Trưng, một khán giả theo dõi chương trình chia sẻ, “tôi cảm thấy mình đã được bước vào một không gian nghệ thuật đậm chất Huế. Tất cả quý vị khán giả có mặt trong khán phòng hôm nay, đều được những điệu hò da diết, những điệu lý vang vọng dệt nên mạch nguồn cảm xúc về Huế”.
“Đây là chương trình quá hay, quá hoành tráng. Tôi thích nhất là giọng hát của ca sỹ Bạch Trà, quá ngọt ngào và sâu lắng. Đối với tôi đây là chương trình rất đặc biệt, chưa từng có từ trước đến nay. Trong dịp Hà Nội có nhiều ngày kỷ niệm lớn thì đây là chương trình vô cùng ý nghĩa.”
Giữa nhịp sống rộn ràng, sôi động của Thủ đô, hơi thở “Mùa Đông xứ Huế” làm dịu lại, sống trọn với cảm xúc của những con người nặng lòng với Huế, và cả với những ai chưa từng đến Huế nhưng đã yêu mến mảnh đất này qua từng câu hát, điệu hò và những lời thơ.
Để rồi “Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm/ từng cái lạnh dấu trong chăn/ nghe mưa rả rích trong tim vắng/ Để nhớ vô cùng những tháng năm…”
Gia Linh/ Ảnh: Minh Khánh
Bài viết khác
NSND Xuân Bắc nhận thêm nhiệm vụ mới
27/06/2025 - 07:12
NSND Xuân Bắc có tên trong danh sách 32 đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2025-2030.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Lan tỏa tinh thần đổi mới, khát vọng phát triển
27/06/2025 - 06:55
"Khi lắng nghe bài phát biểu sâu sắc và truyền cảm hứng của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là cụm từ 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' trong tôi như có luồng sinh khí mới. Từ cảm xúc ấy tôi viết lên giai điệu và ca từ của tác phẩm Vươn mình - Kỷ nguyên mới” - tác giả Trịnh Minh Ước chia sẻ về ca khúc đạt giải C Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tri ân sâu sắc lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng
22/06/2025 - 22:06
Sáng ngày 22/6, trong không gian ấm cúng, trang trọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình “Gặp mặt những người làm Báo gắn bó với Nghệ thuật biểu diễn và Văn học” - Hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân lực lượng chủ công trong việc quảng bá nghệ thuật biểu diễn và văn học đến với công chúng, khán giả nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)
Tỏa sáng tài năng trẻ cùng những kiệt tác kinh điển trong đêm hòa nhạc đặc biệt “Chopin - Rimsky - Korsakov”
22/06/2025 - 21:04
Tối 21/6, tại Nhà hát Hồ Gươm - một không gian sang trọng và giàu giá trị nghệ thuật - Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn đêm nhạc đặc biệt Chopin - Rimsky - Korsakov, quy tụ những kiệt tác bất hủ của âm nhạc cổ điển thế giới cùng sự góp mặt đáng mong đợi của hai tài năng piano trẻ xuất sắc: Nguyễn Đức Kiên và Lưu Danh Khôi.
Cục Nghệ thuật biểu diễn tặng hoa Chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
17/06/2025 - 16:25
Chiều ngày 16/6, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thay mặt Lãnh đạo Cục NTBD tặng hoa chúc mừng Tân Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam -TS. NSND Đỗ Quốc Hưng.
Bầu Bí thư, Phó Bí thư trực tiếp tại Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn với kết quả tuyệt đối
10/06/2025 - 23:01
Sáng ngày 10/6, Đại hội Chi bộ Cục Nghệ thuật biểu diễn nhiệm kỳ 2025 – 2030 đã được tổ chức trọng thể, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển trong nhiệm kỳ tới với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò trong công tác tham mưu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học trong thời gian tới.